top of page

Rót vốn vào Crowdfunding: Nhà đầu tư được và mất những gì?

Crowdfunding - Gọi vốn cộng đồng không phải là một khái niệm mới trên thế giới, được đánh giá là một trong những hướng đi hiệu quả đối với những doanh nhân trong quá trình tìm kiếm nguồn vốn ban đầu. Tuy nhiên, tại Việt Nam, hình thức gọi vốn này vẫn chưa mấy phổ biến trong cộng đồng khởi nghiệp.

Hiện cả nước có hơn 500 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, 90% số đó thuộc nhóm vừa và nhỏ (SMEs). Trong đó, nhiều công ty, tổ chức đi lên bằng việc phát triển kinh doanh các nhân. Khi muốn mở rộng quy mô, các chủ doanh nghiệp SMEs thường gặp vấn đề về nguồn vốn, vì số vốn tự có khó có thể đảm bảo cho việc phát triển. Vì vậy, các đơn vị này thường tìm đến ngân hàng hoặc tìm các gọi vốn.

Trong khi ở các nước phát triển, các công ty nắm rất chắc bản chất và quy trình huy động vốn, thì tại Việt Nam, rất nhiều doanh nghiệp và cá nhân còn mơ hồ về hoạt động này. Không ít cá nhân điều hành hoạt động kinh doanh cho rằng gọi vốn là đi vay, do đó chần chừ trong việc gọi vốn khi cần mở rộng hoạt động.

Mô hình gọi vốn truyền thống được các doanh nghiệp biết đến nhiều hiện nay là việc mời một hoặc ít nhà đầu tư hoặc các quỹ đầu tư rót vốn. Một công ty có ít cổ đông, mỗi cổ đông rót vốn vào doanh nghiệp một số tiền lớn, chiếm tỷ lệ cổ phần cao trong công ty.

Tuy nhiên, ngoài hình thức này thì trên thế giới ngày nay còn rất phổ biến một hình thức gọi vốn khác là Gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding). Trên thực tế, đây không phải là một khái niệm mới trên thế giới và còn được đánh giá là một trong những hướng đi hiệu quả đối với những người khởi nghiệp trong quá trình tìm kiếm nguồn vốn ban đầu.

Đáp ứng xu hướng này, nhiều nền tảng gọi vốn cộng đồng dành cho startup trên toàn thế giới đã ra đời, như Kickstarter, Indiegogo, GoFundMe, CircleUp…

Tuy nhiên, tại Việt Nam, hình thức gọi vốn này vẫn chưa mấy phổ biến trong cộng đồng khởi nghiệp. Trong khi đó, đối với nhà đầu tư, hình thức đầu tư này cũng còn khá mới mẻ, chưa thu hút được nhiều sự quan tâm, chú ý.

Để hiểu thêm về hình thức huy động vốn này, nhà đầu tư sẽ được và mất gì khi quyết định rót vốn, phóng viên BizLIVE đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Quốc Trung, chuyên gia tài chính, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư CFM.

Xin ông có thể cho biết, hình thức huy động vốn cộng đồng khác với huy động vốn truyền thống như thế nào?

Trong hình thức huy động vốn truyền thống thì thường là có một vài nhà đầu tư góp khoản tiền quy mô khá lớn cho doanh nghiệp, và thường họ cũng chiếm một số lượng cổ phần khá lớn.

Với hình thức huy động vốn này, doanh nghiệp thường sẽ gọi được vốn nhanh hơn, tuy nhiên, lại chịu rủi ro bị thâu tóm rất lớn từ các nhà đầu tư cá mập do họ chiếm cổ phần quá lớn. Đối với hình thức huy động vốn cộng đồng, do mỗi nhà đầu tư chỉ chiếm một lượng cổ phần rất nhỏ nên khả năng bị thâu tóm là rất khó xảy ra.

Thứ hai là sự khác biệt trong thời gian gọi vốn. Với hình thức gọi vốn truyền thống, doanh nghiệp có thể gọi vốn vòng một nhanh hơn, do chỉ phải đàm phán với một vài nhà đầu tư.

Tuy nhiên, càng những vòng gọi vốn sau thì càng chậm. Đối với hình thức gọi vốn cộng đồng lại ngược lại, vòng 1 gọi vốn có thể rất chậm do phải tiếp xúc với một cộng đồng lớn các nhà đầu tư, tuy nhiên, từ vòng hai, nhờ sức lan tỏa trong giới đầu tư đã có từ vòng 1, doanh nghiệp sẽ có khả năng gọi vốn nhanh hơn rất nhiều.

Tuy nhiên, hình thức gọi vốn cộng đồng cũng có điểm yếu, là do phải gọi vốn từ cả một cộng đồng các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ phải làm việc với những người có nền tảng khác nhau, tư duy khác nhau, kinh nghiệm trong các lĩnh vực khác nhau nên việc thiết lập quy chế, điều lệ công ty phải cực kỳ chắc chắn. Người chủ dự án phải học phương pháp định hướng, dẫn dắt cộng đồng nhà đầu tư thì mới có thể thành công.

Vậy khi đầu tư vào một dự án, nhà đầu tư sẽ được gì? Với những dự án không thành công, thì tiền của nhà đầu tư sẽ về đâu, thưa ông?

Thông thường nhà đầu tư tham gia mô hình này sẽ nhận được một trong bốn hoặc cả bốn quyền lợi bao gồm: quyền lợi liên quan đến hình ảnh cộng đồng thương hiệu, thứ hai là có thể thu lại khoản tiền gốc họ đã đầu tư, bằng cách công ty mua lại cổ phần của họ hoặc công ty sẽ tìm nhà đầu tư mới để mua lại cổ phần này.

Thứ ba, nhà đầu tư có thể nhận về cổ tức hoặc quyền lợi về tài chính. Và thứ tư là nhận các sản phẩm của công ty.

Ví dụ như một chuỗi nhà hàng huy động vốn. Giả sử nhà hàng mở ra cần vốn 5 tỷ đồng, thì nhà đầu tư sẽ được chia thành 50 suất, mỗi suất đầu tư 100 triệu. Hàng quý hoặc hàng năm, nếu nhà hàng có lãi sau khi đóng thuế sẽ được chia cho các nhà đầu tư, tạm gọi là cổ tức. Ngoài ra, các nhà hàng này thường tặng thêm nhà đầu tư một số quyền lợi như sử dụng các dịch vụ nhà hàng với mức giá ưu đãi,…

Về câu hỏi nếu dự án không thành công thì sao? Trong thực tế, đã có nhiều trường hợp như thế xảy ra.

Doanh nghiệp có cam kết trả cả vốn và lãi cho nhà đầu tư hay không? Chúng ta cần phải hiểu rằng, việc gọi vốn khác với việc đi vay. Khi đi vay tiền thì doanh nghiệp phải cam kết trả cả vốn và lời, còn gọi vốn cộng đồng thì doanh nghiệp sẽ cần giải trình cho nhà đầu tư thấy điểm mạnh, điểm yếu của dự án. Nhà đầu tư sẽ đồng hành với doanh nghiệp, có lãi cùng chia, có lỗ cùng chịu trên số vốn đã góp. Về mặt quyền lợi và trách nhiệm pháp lý thì hình thức này không khác gì với gọi vốn truyền thống.

Một điều quan trọng là tất cả các nhà đầu tư thường được khuyên chỉ nên đầu tư từ 5%-30% lượng tiền nhàn rỗi của mình cho các cuộc đầu tư như thế này, tức là nếu bạn có 500 triệu đồng tiền nhàn rỗi thì chỉ nên đầu tư từ 25 triệu đến tối đa 150 triệu vào dự án. Mặc dù các dự án gọi vốn cộng đồng ít nhiều đã được thẩm định nhưng mọi doanh nghiệp đều có rủi ro riêng nên nếu chẳng may doanh nghiệp đó có thất bại thì nhà đầu cũng không bị mất quá nhiều. Cách tốt nhất là kiểm soát lượng vốn đầu tư.

Liên quan đến lo ngại doanh nghiệp có thể sử dụng tiền huy động sai mục đích, không trả quyền lợi cho người ủng hộ, thì có pháp lý bảo vệ nhà đầu tư hay không, thưa ông?

Một trong những nguyên tắc quan trọng của chúng tôi là đúng và đủ, tức là dùng tiền đúng mục đích, và chỉ huy động đủ số tiền đề ra, ví dụ, nếu doanh nghiệp muốn gọi 10 tỷ vốn thì chỉ được phép gọi đúng 10 tỷ, không được gọi quá.

Vì thế, để đảm bảo vấn đề này, tôi là người trực tiếp kiểm soát thành viên, yêu cầu gửi báo cáo số tiền đã nhận, họ chi tiêu như thế nào, cộng đồng cũng thành lập tổ tư vấn, là những thành viên đã gọi vốn thành công để hỗ trợ thành viên mới để đảm bảo việc gọi vốn đúng pháp luật đồng thời cũng sẽ nhận được quyền lợi tài chính như có được một số cổ phần của doanh nghiệp đó.

Nếu thành viên nào cố tình làm sai sẽ bị xử lý. Cụ thể, nếu sai nhưng có thể khắc phục được thì sẽ bị cảnh cáo, nếu sai nặng hơn sẽ đuổi ra khỏi nhóm, nặng nhất có thể gửi đơn kiện đến cơ quan chức năng yêu cầu xử lý.

Nói như vậy thì việc tham gia đầu tư vào chương trình gọi vốn cộng đồng cũng tương tự như việc nhà đầu tư bỏ tiền đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong khi nếu đầu tư trên sàn, nhà đầu tư ít nhất sẽ được tiếp cận BCTC hàng quý của doanh nghiệp, được bảo vệ bởi Ủy ban Chứng khoán, rồi các sàn cũng có những công cụ riêng để quản lý doanh nghiệp niêm yết trong khi với hình thức này, nhà đầu tư dường như lại đang phải tự bảo vệ mình. Đây có phải là một điểm trừ của hình thức này không, thưa ông?

Thực ra việc gọi vốn trên sàn cũng là một dạng huy động gọi vốn cộng đồng. Về báo cáo tài chính, thì tất cả doanh nghiệp dù có lên sàn hay không cũng đều phải lập, nhưng khác một điều là các công ty chưa lên sàn thì thường lập báo cáo một năm một lần, các công ty trên Upcom thì 6 tháng một lần, trên sàn HOSE và HNX thì 3 tháng một lần.

Về bản chất thì doanh nghiệp chưa lên sàn vẫn phải lập BCTC minh bạch như các công ty trên sàn, thậm chí, với các doanh nghiệp chưa lên sàn, các cổ đông còn yêu cầu gay gắt hơn, nhiều doanh nghiệp phải báo cáo tối thiểu 6 tháng một lần, có kiểm toán độc lập để đảm bảo minh bạch.

Đương nhiên, với các doanh nghiệp này thì họ không thể cập nhật báo cáo nhanh như doanh nghiệp trên sàn, 3 tháng một lần. Tuy nhiên, đặc thù của cổ phiếu trên sàn là nhà đầu tư cần giao dịch nhanh nên việc cập nhật thông tin nhanh là rất cần thiết. Còn trong mô hình gọi vốn cộng đồng, thường nhà đầu tư sẽ giữ cổ phiếu cho tới khi lên sàn nên việc công bố BCTC 6 tháng, 1 năm một lần là khá đầy đủ cho nhà đầu tư.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

TRẦN THÚY

bottom of page